So sánh chiến lược sản xuất, giá bán và truyền thông của Bkav – VinSmart
Khác với Mobiistar hay Asanzo có phần “thầm lặng”, 2 thương hiệu Việt khác là Bkav và VinSmart đều tạo nên nhiều tiếng vang, nhưng theo những cách rất khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại một vài điểm nhấn đáng chú ý về cách 2 công ty sản xuất smartphone cũng như đưa ra chiến lược về giá bán và truyền thông.
Sản xuất
Nếu như ở phiên bản Bphone đầu tiên ra mắt năm 2015, Bkav sử dụng nhà máy cơ khí của chính mình thì sang đến mẫu Bphone 2017 và mới nhất là Bphone 3 (2018), họ đã chuyển sang đặt hàng Meiko Electronics – một công ty đến từ Nhật Bản chuyên sản xuất bảng mạch từng hợp tác với cả Apple lẫn Samsung và có cơ sở tại Việt Nam.
Không khó để lý giải cho sự thay đổi ấy. Bkav ban đầu chỉ là một công ty thuộc lĩnh vực an ninh mạng, thường được biết đến với những phần mềm diệt virus (với giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng) nên họ khó có thể đủ tiềm lực và kinh nghiệm để xây dựng nhà máy đáp ứng nhu cầu sản xuất ở quy mô lớn nên phải đặt hàng đối tác bên ngoài.
Thậm chí, do chủ yếu là “tự lực cánh sinh”, Bkav đã phải mất rất nhiều năm nghiên cứu mới có thể cho ra đời mẫu Bphone đầu tiên. Theo chia sẻ của CEO Nguyễn Tử Quảng, họ từng bị nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Qualcomm từ chối hợp tác vì không tin tưởng rằng Bkav có thể làm được smartphone.
Trong khi đó, theo bảng xếp hạng do Vietnam Report thống kê mới vừa được công bố cách đây ít ngày, Vingroup chính là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam. Với nguồn tài chính dồi dào thu về từ nhiều mảng kinh doanh như bán lẻ, bất động sản... VinSmart đã nhanh chóng xây dựng được nhà máy có quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại.
Đồng thời, VinSmart còn hợp tác với BQ – một startup công nghệ có tiếng ở Tây Ban Nha, từng đạt nhiều giải thưởng uy tín ở Châu Âu (giải thiết kế RedDot, top 100 ý tưởng tốt nhất) và có mối quan hệ tốt với nhiều tên tuổi lớn trong ngành. Khi giới báo chí tham quan nhà máy VinSmart, họ đã thấy sự hiện diện của các chuyên gia nước ngoài.
Như vậy, VinSmart vừa có thể sản xuất với năng suất cao bằng chính những con người của mình, vừa tận dụng được chất xám từ nguồn nhân lực quốc tế cũng như ứng dụng công nghệ mới trên thế giới.
Giá bán
Đây là khía cạnh mà 2 nhà sản xuất đi theo hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Bkav, với hoài bão lớn trong việc đưa hàng Việt Nam tiến lên cạnh tranh sòng phẳng cùng các thương hiệu ngoại không ngần ngại đặt giá bán ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp ngay từ mẫu Bphone đầu tiên.
Những gì đã diễn ra cho thấy họ thất bại hoàn toàn, khi Bphone không thể chứng minh nó xứng đáng với mức giá trên chục triệu đồng. Mọi chuyện có phần khả quan hơn ở 2 người kế nhiệm. Bphone 2017, rồi Bphone 3 (2018) đã có giá bán dễ chịu hơn, nhưng chưa hẳn đã đến mức mà người dùng kỳ vọng.
Ngược lại, tuy vẫn sẵn sàng sản xuất điện thoại cao cấp trong tương lai, VinSmart chọn cách tiếp cận người dùng phổ thông ở thời điểm ban đầu khi trình làng những chiếc smartphone có giá bán rẻ đến ngạc nhiên. Trong đó, mẫu Active 1 sử dụng chip, RAM và màn hình có thông số tương đương Bphone 3 bản Pro nhưng giá bán chỉ bằng một nửa (4.99 triệu so với 9.99 triệu).
Tất nhiên, rẻ hơn không có nghĩa là thành công hơn. Một chiếc smartphone cần được xem xét ở nhiều khía cạnh khi mua, không chỉ về giá bán. Nhưng ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, mức giá phải chăng, phù hợp với điều kiện tài chính người dùng có thể xem là một yếu tố thuận lợi để điện thoại Vsmart bán chạy.
Truyền thông
Ở thời điểm xuất phát, Bkav đã làm rất tốt việc tạo ra sức hút. Ngày chiếc hộp đen huyền bí đặt Bphone đời đầu bên trong xuất hiện tại CES - một triển lãm quốc tế uy tín thực sự khơi gợi nhiều cảm hứng về hình ảnh “Điện thoại thương hiệu Việt vươn ra biển lớn”.
Tuy nhiên, tại buổi lễ ra mắt chính thức cũng như giới thiệu trên website sau đó, Bkav đã có phần quá tự tin khi liên tục mô tả sản phẩm gắn liền với cụm từ “hàng đầu thế giới”, khiến CEO Nguyễn Tử Quảng được cộng đồng mạng đặt cho biệt danh “Quảng nổ”. Sau đó, tương tự như giá bán, Bkav đã rút kinh nghiệm và có những lời quảng bá dễ nghe hơn ở 2 phiên bản sau.
Về phía VinSmart, chúng ta có thể dùng cụm từ “nói ít làm nhiều” để mô tả về họ. Trước thông tin điện thoại Vsmart sẽ chính thức trình làng vào ngày 14/12, những gì xuất hiện trên truyền thông là VinSmart tuyên bố sẽ làm smartphone hồi tháng 6, rồi VinSmart tổ chức họp báo công bố thương vụ hợp tác với công ty BQ đến từ Tây Ban Nha vào tháng 7.
Thế rồi, chỉ ít ngày trước lễ ra mắt điện thoại Vsmart, nghĩa là khoảng 5 tháng sau buổi họp báo, người ta được thấy một nhà máy sản xuất khang trang với rất nhiều trang thiết bị hiện đại và cả chuyên gia đến từ nước ngoài, mà theo chia sẻ từ lãnh đạo của một hệ thống bán lẻ có tiếng tại TPHCM là "không hề kém cạnh so với nhà máy của Samsung, OPPO hay HTC".
Không chỉ một, VinSmart ra mắt tới 4 mẫu smartphone với mức giá cực kỳ ấn tượng như đã nêu trên. Cách làm không phô trương nhưng mang tính thực tiễn cao cộng với thương hiệu vốn có của tập đoàn Vingroup (chủ sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam và hàng loạt siêu thị, cửa hàng tiện ích, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, trường học, mới nhất còn sản xuất ô tô) đã giúp điện thoại Vsmart nhận được cái nhìn lạc quan từ giới công nghệ.
Kết
Với nhà máy riêng, VinSmart hoàn toàn làm chủ khâu sản xuất, khác với Bkav tuy vẫn tạo ra smartphone “made in Vietnam” nhưng là do đối tác thực hiện. Việc hợp tác với BQ cũng giúp VinSmart gặp thuận lợi trong việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ quốc tế.
Giá bán của điện thoại Vsmart rẻ hơn, giúp người dùng trong nước dễ dàng tiếp cận hơn. VinSmart cũng không quá khoa trương và nhấn mạnh yếu tố “hàng Việt” để lấy lòng người Việt.
Nói đi thì cũng phải nói lại, VinSmart có thể làm được những điều vừa nêu một phần vì nguồn lực tài chính mạnh. Không phải cứ có nhiều tiền là bạn sẽ thành công, nhưng thường thì bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn khi triển khai ý tưởng.
Mặt khác, dù máy móc hiện đại đến đâu, quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, mà đây lại là chi tiết chúng ta chưa thể kiểm chứng ở điện thoại Vsmart vào thời điểm hiện tại.
Bkav không có được lợi thế về tài chính như VinSmart, họ cũng đã mắc phải nhiều sai lầm về giá bán và truyền thông, nhưng trên hết, cũng như những người đồng hương, ông Nguyễn Tử Quảng và các cộng sự rất tâm huyết trong việc thúc đẩy sự phát triển của hàng Việt để đưa sản phẩm do người Việt tạo ra bước lên sánh ngang và cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế.
Bphone 3 bản thường có giá cao hơn Active 1+ (model có giá cao nhất trong bộ tứ Vsmart vừa ra mắt), nhưng lại là chiếc smartphone hiếm hoi trong tầm giá tích hợp chuẩn chống nước, kể cả khi so sánh với những thương hiệu ngoại. Máy cũng sở hữu phần cạnh dưới siêu mỏng gần như chưa xuất hiện ở bất kỳ smartphone Android nào khác. Đó là những nỗ lực của Bkav mà chúng ta cần ghi nhận.
Kết luận
Sự cạnh tranh luôn tốt cho người dùng. Hi vọng rằng, sẽ có nhiều hơn những VinSmart và Bkav – những người dám dấn thân vào con đường đầy chông gai với vô vàn thử thách từ những thương hiệu nước ngoài để chúng ta có thể mơ về một ngày hàng Việt xây dựng được vị thế khác trong mắt người dùng Việt.