5 "gờ" à, vậy còn 4G thì sao?
Trời ơi, mới ngày nào sử dụng cái “3 Gờ” là tưởng mình “ngon” lắm rồi, là thời thượng lắm rồi, mặc dù thiệt tình thì mới bập bõm, lặn hụp mà thôi. Rồi tới cái “4 Gờ” mới thấy quảng cáo, còn chưa biết xài, chưa dám xài, thì “đùng một cái”, thiên hạ lại tung ra cái “5 Gờ”.
Hình như dù là mấy “Gờ” đi nữa thì tựu trung lại là thiên hạ đang chạy theo tốc độ. Và vậy là, cạnh tranh ngày nay không chỉ bằng giá cả hay chất lượng nữa, mà cực kỳ quan trọng hơn là dựa trên tốc độ cao. Nói đến tốc độ là nói đến thời gian, mà “thời gian là tiền bạc” như ông bà mình và cả thiên hạ từ cổ chí kim đã tổng kết. Tốc độ của những đột phá chưa có tiền lệ trong lịch sử và đang phá vỡ mọi ý niệm về kinh tế, xã hội trên thế giới.
Vậy cái “Gờ” ra đời sau hơn cái “Gờ” ra đời trước đâu phải là cái “mốt” để khoe khoang rằng mình là người của công nghệ, mà chính là cơ hội để tối ưu hóa các hoạt động của xã hội. Một lần nữa “sự thay đổi” là thuộc tính của thời đại được chứng minh qua mấy cái “Gờ” này. Nó là một phương tiện để thiên hạ cạnh tranh với nhau, vượt lên nhau đi đến bến bờ thịnh vượng, hạnh phúc.
Nói vậy để mỗi người tự nhìn lại mình, mỗi tổ chức hệ thống tự nhìn lại mình, mỗi địa phương cũng phải tự nhìn lại mình. Nhìn lại để đừng thờ ơ, đừng xem đó là chuyện của thiên hạ chứ không phải của mình, để thích ứng với sự thay đổi chứ không phải cưỡng lại sự thay đổi. Nhìn lại để hành động và hành động nhanh.
Thì đó, nào là “Công nghiệp hóa hiện đại hóa”, nào là “kinh tế tri thức”, nào là “Cách mạng công nghiệp 4.0”... lúc đầu thì bàn luận sôi nổi hết từ hội thảo này đến diễn đàn kia nhưng dần rồi thì nguội dần, nhạt dần và thậm chí đi vào quên lãng. Trong khi chúng ta còn đang loay hoay, nâng lên đặt xuống, thì người ta dù đã đi trước rất xa rồi nhưng vẫn tăng tốc bằng những chiến lược hết sức cụ thể và đầy tham vọng vào trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ những cuộc cách mạng công nghiệp “chấm” (.) đến công nghệ “Gờ” (G) là nhân loại đã có bước tiến quá dài, bỏ chúng ta quá xa rồi. Trong khi người ta đang vận hành nền kinh tế bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo thì mình vẫn tăng trưởng dựa trên thâm dụng vốn, lao động và tài nguyên. Trong khi người ta dạy và học điện tử, có thể mô phỏng trực quan những gì là trừu tượng nhất thì mình vẫn đa phần bảng đen và phấn trắng. Trong khi người ta quản lý xã hội bằng dữ liệu số thì mình vẫn chồng chất bao nhiêu là hồ sơ giấy tờ hành chính. Trong khi người ta làm việc trong những không gian kết hợp giữa ảo và thực, mình vẫn còn cà rịch cà tang trong một không gian bốn bức tường. Trong khi người ta kết nối dựa trên công nghệ trực tuyến, ngồi một chỗ mà có thể làm việc, giao dịch với khắp thế giới, thì mình vẫn dựa vào mối quan hệ “trực tiếp” lãng phí biết bao là thời gian và chi phí.
Cuộc cách mạng công nghiệp “n.0” đã là thành tựu của cả nhân loại, cũng như công nghệ “G” không còn là của tập đoàn công nghệ thông tin nữa rồi. Ai cũng có thể tham gia và ai cũng có thể sử dụng, vấn đề chỉ là có “muốn” hay “không muốn”, “cần” hay “không cần” mà thôi! Nghĩ lại, cạnh tranh dù ở cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp hay quốc gia đều dựa trên tốc độ. Muốn vậy, cần phải tận dụng sức mạnh của công nghệ để giúp bộ máy vận hành tốt hơn, tương tác giữa chính quyền và người dân - doanh nghiệp nhanh hơn, từ đó, sẽ giúp giảm thời gian và chi phí xã hội.
Gần đây, dân mạng xôn xao và chia sẻ nhau hình ảnh cụ bà 97 tuổi ở Hà Nội “sành Internet” được lên báo nước ngoài mới đáng khâm phục làm sao. Lời trần tình của cụ còn đáng để mọi người suy nghĩ và thấm thía: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là ngu dốt... Trong cái biển kiến thức của con người, tôi chỉ biết một, cho nên nếu còn sống 100 năm nữa tôi vẫn còn khát khao muốn biết thêm...”.
Thế giới giờ đây và mai sau sẽ ngày càng phẳng hơn nhờ công nghệ. Thiên hạ xích lại gần nhau hơn nhờ công nghệ. Con người cũng ngày càng thông minh hơn vì được tích hợp biết bao nhiêu là tri thức của nhân loại nhờ vào công nghệ. Cơ hội giống như bình minh. Nếu bạn chờ quá lâu, bạn sẽ bỏ lỡ nó. Vậy thì, tiếp tục chờ đợi rồi bỏ lỡ hay bắt tay hành động?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét